DI TÍCH ĐỀN LÀNG VĂN HẢI
I. TÊN GỌI DI TÍCH
Đền làng Văn Hải do nhân dân làng Văn Hải xây dựng từ khi mới lập làng nên nhân dân ở đây từ trước tới nay thường gọi tên của di tích này là đền làng Văn Hải.
II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỔ VÀ ĐƯỜNG ĐI TỚI DI TÍCH
1. Địa điểm phân bố.
Đền làng Văn Hải nằm trên khu đất rộng 2.462 m2 thuộc xóm 1, xã Văn hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829) dưới sự tổ chức và lãnh đạo của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn đã thu được thành công. huyện Kim Sơn ra đời với 7 tổng và 60 lý, ấp, trại. Sự ra đời của huyện Kim Sơn mở đầu cho quá trình khai hoang lấn biển của nhân dân địa phương nơi đây với quy mô ngày càng lớn và mạnh mẽ hơn. Gần 30 năm sau ấp Văn Hải được thành lập đây là sự kế tiếp công cuộc khẩn hoang lấn biển của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trên vùng biển đất bồi Kim Sơn.
Vào năm Tự Đức thứ 9 (1856) hai cụ Vũ Khắc Dụng và Phạm Quang Trù đã đứng ra chiêu mộ nhân đinh từ các nơi đến tổ chức khai hoang lập ấp trên vùng đất này, theo sự đề xuất của Vũ Phạm Khải (theo kỷ yếu về Vũ Phạm Khải của Viện Sử học nhân kỷ niêm 120 năm ngày mất của ông).
Trên thượng lương của hậu cung ngôi đền có ghi Duy Tân tam niên (1909), đây chỉ là niên đại về gian hậu cung của đền đã được tu bổ vào năm này. Theo các cụ trong làng truyền nhau kể lại thì ngay sau khi thành lập ấp Văn Hải ngôi đền này được xây dựng.
Trong không gian, cảnh quan thiên nhiên thì vùng đất này nằm hoàn toàn trên tầng phù sa mới được bồi đắp, có sông Càn ở phía tây; sông Đáy ở phía đông; hòn Nẹ ở phía nam và sông Ân ở phía bắc.
Hiện nay vùng bãi biển Kim Sơn vẫn đang được bồi đắp thêm với tốc độ từ 80 đến 100m trên một năm, mở rộng không gian về phía đông nam.
Năm 1856 xã Văn Hải được thành lập, từ đó tới nay di tích thuộc xóm 1, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
2. Đường đi tới di tích.
Chúng ta có thể đến di tích bằng cả đường bộ và đường thủy.
Lộ trình đường bộ: từ thành phố Ninh Bình theo đường 10 đi về trung tâm huyện lị huyện Kim Sơn (thị trấn Phát Diệm), khoảng 28km rồi tiếp tục đi về phía huyện Nga Sơn, dọc theo bờ sông Ân khoảng 3km thì rẽ trái qua cầu Cà Mâu ở phía bên trái đường, đi tiếp khoảng 6km tới UBND xã Văn Hải thì rẽ phải theo con đường liên xóm khoảng 1km là tới di tích.
Lộ trình đường thủy: từ thành phố Ninh Bình theo dòng sông Vân về phía nam khoảng 7km tới ngã ba Vuông rẽ trái vào sông Vạc đi được khoảng 15km chúng ta bắt gặp ngã ba sông ngay bên cầu Trì Chính, từ đây đi theo dòng sông Ân khoảng 7km thì rẽ trái vào dòng sông Cà Mâu, xuôi dòng ra phía biển khoảnh 6km là tới UBND xã Văn Hải, từ đây ta lên thuyền đi bộ theo con đường liên xóm khoảng 1km là tới di tích.
III. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ LIÊN QUAN TỚI DI TÍCH
Qua khảo sát thực tế và tư liệu Hán Nôm trong di tích chúng tôi thấy rằng di tích có liên quan tới những sự kiện và nhân vật lịch sử dưới đây:
Quá trình thành lập làng Văn Hải gắn liền với việc xây dựng nơi thờ tự các anh hùng dân tộc thời phong kiến, trong đó có việc người dân ở đây rước chân nhang từ làng cũ (quê của các dân đinh đi khai hoang) về thờ phụng ở làng mới. Cùng với đó là việc thờ các nhân vật có công chiêu dân lập ấp, là các chiêu mộ của làng.
1. Nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo (tức Đức thánh Trần) được thờ ở nội cung của đền. Nhân vật lịch sử này đã được rất nhiều sử sách ghi lại. Trần Hưng Đạo là danh tướng thời nhà Trần, có công lớn trong 3 lần dân tộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, được người dân Việt tôn thờ như một vị thánh nên gọi là Đức thánh Trần. Ông vốn là con trai của An sinh Vương Trần Liễu, là cháu gọi vua Trần Thái Tông là chú. Trần Hưng Đạo sinh ra tại Kiếp Bạc xã Hưng Đao, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm sinh của ông không rõ, có tài liệu cho rằng ông sinh vào năm 1228 song lại có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1230. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3 ông được phong là tiết chế các đạo quân thủy bộ (tổng chỉ huy quân thủy bộ). Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300) thọ khoảng 70 tuổi, nhân dân đương thời lập đền thờ ông tai Kiếp Bạc. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm về văn học cũng như về quân sự như: Hịch tướng sỹ; Binh thư yếu lược; Vạn Kiếp tông bí truyền thư.... Hiện nay có nhiều nơi dựng tượng Trần Hưng Đạo (tỉnh Nam Định, tỉnh Hải Hưng...), rước chân nhang từ đền thờ Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc về thờ, kính thờ ông như một vị thánh bảo vệ cho toàn dân tộc. Tại di tích đền làng Văn Hải có rước chân nhang và tạc tượng thờ Trần Hưng Đạo.
2. Nhân vật lịch sử Lê Niệm (1416- 1485), (hay còn gọi là Đức thánh Lê, nhân vật này được thờ tại phía trong cùng của nội cung). Lê Niệm là con trai Lê Lâm, là cháu của Lê Lai. Năm 1446 ông cùng tướng Lê Thụ tiến đánh Chiêm Thành, sau đó làm An phủ sứ tây đạo (gồm Vĩnh Phú và mấy tỉnh Tây Bắc) sau đó làm An sứ Tuyên bang (Quảnh Ninh). Ông cũng là một trong những tướng đã có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi.
Năm 1476, ông lại tham gia tiến đánh quân Chiêm Thành và có công trong trong việc tổ chức khai hoang vùng ven biển hạ lưu sông Hồng hơn nữa ông còn có công trong việc tổ chức đắp đê Hồng Đức. Năm 1475 Ông đã về Thiên Trì nay gọi là Phượng Trì, xã Yên Mạc trực tiếp chỉ huy việc đắp đê Hồng Đức, ông đã được vua phong ấp ở vùng Thiên Trì. Với những công trạng như thế ông được vua Lê Thánh Tông phong là Thái úy tĩnh tướng công. Khi ông qua đời vào ngày mồng một tháng ba năm Ất Tỵ, tra theo lịch dương là vào năm 1485, nhân dân đã lập đền thờ ông ở núi Voi thuộc xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) thời nay.
Trong việc khai hoang lấn biển lập nên ấp Văn Hải, thì vai trò của làng cựu (làng gốc, quê của người đi khai hoang lập nên làng mới) Phượng Trì là lớn nhất, hơn nữa hai vị chiêu mộ của làng cùng đều là người làng Phượng Trì do vậy việc rước chân nhang thờ Lê Niệm đến làng mới đã được diễn ra ngay sau khi lập làng. Và có thể khẳng định Ban thờ Lê Niệm được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong di tích.
3. Nhân vật lịch sử: chiêu mộ Vũ Khắc Dụng (1817-1879)
Ông là con của một nhà nho nổi tiếng ở làng Phượng Trì, là em ruột của quan Các Vũ Phạm Khải, theo chủ xướng của Vũ Phạm Khải, ông đã đứng ra chiêu mộ các nhân đinh, trước hết là con cháu trong dòng họ tham gia cuộc khẩn hoang lập nên ấp Văn Hải. Ông mất vào ngày 22 tháng 4, nhân dân địa phương lấy ngày này làm ngày giỗ của ông. Trong sắc phong còn lưu giữ tại đền có ghi việc ông được phong thần, thần thành hoàng làng, làng Văn Hải.
4. Nhân vật lịch sử Phạm Quang Trù (1818-1881), quê làng Phượng Trì, vốn học gỏi đã 2 lần đỗ cử nhân nên nhân dân địa phương gọi ông là Kép Văn. Ông là cậu ruột của Vũ Phạm Khải, là con rể của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Ông đã cùng với Vũ Khắc Dụng đứng ra chiêu dân lập ấp. Hiện nay người dân trong làng tổ chức ngày giỗ của ông vào ngày 13 tháng 11.
Vào thời điểm trước năm 1856 thì vùng đất xã Văn Hải ngày nay còn là vùng chân sóng, đất sình lầy, lún thụt, đi lại nơi đây phải dùng đến thuyền nhỏ, ván trượt, cà kheo. Hai nhân vật Vũ Khắc Dụng và Phạm Quang Trù chỉ được sự ủng hộ là cho chủ trương khai hoang vùng đất này của triều đình còn về mặt nhân lực thì phải tự lo và tự chịu trách nhiệm về việc khẩn hoang trước triều đình nhà Nguyễn lúc đó. Hai nhân vật kể trên trước hết đã bỏ tiền của vận động con cháu ở quê nhà, làng Phượng Trì (Yên Mô) và cac nhân đinh đến từ xã Lưu Phương, Phát Diệm ở huyện Kim Sơn, một số nhân đinh đến từ Trà Lũ, Giao Thủy, tỉnh Nam Định và một số nhân đinh đến từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với tổng cộng số nhân đinh khoảng 70 người, chỉ qua 5 năm đã khai phá được 1892 mẫu đất, lập nên ấp Văn Hải.
Trong tập Văn Hải xã lược sử ca có ghi lại sự kiện chiêu dân lập ấp Văn Hải như sau:
Năm thứ 9 đời vua Tự Đức
Có hai ông dòng bậc đại gia
Người Yên Mô huyện đâu xa
Phạm Trù, Vũ Dụng vốn là tương thân
Cùng đơn khẩn chiêu dân lập ấp
Trải năm năm công lập mới thành
Phụng tuân chỉ chiếu dành dành
Ấp xưng Văn Hải hiệu thành từ đây.
Do có công lập ấp Văn Hải hai nhân vật chiêu mộ là Vũ Khắc Dụng và Phạm Quang Trù được thờ tại tiền đường đền làng Văn Hải.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại di tích đền làng Văn Hải đã diễn ra những sự kiện lịch sử dưới đây (theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Văn Hải):
* Trung đội du kích của xã Văn Hải được thành lập vào năm 1946 thường lấy địa điểm di tích làm nơi hoạt động hội họp và hoạt động tuyên truyền quần chúng tại đây.
* Trong kháng chiến chống Pháp đây là vùng giáp danh giữa ta và địch, giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm, vào năm 1950 ta có chủ trương hồi cư, đưa dân về làm ăn sinh sống lúc đó các đảng viên được phân công cứ 3 đồng chí (người đào hầm: Nguyễn Đình Tịch, Hoàng Văn Xứng, Vũ Văn Đỉnh) đào 1 căn hầm bí mật, lúc đó tại địa điểm đền Văn Hải được đào 2 chiếc hầm.
Nhân dân Văn Hải luôn luôn nối tiếp truyền thống của ông cha, kiên cường, bất khuất, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhiều con em trong làng đã lên đường giúp nước, hậu phương ở nhà đóng góp đầy đủ cho tiền phương, chính vì vậy mà các đơn vị và cá nhân trong xã đã nhận được hàng trăm huân, huy chương các loại của Chính phủ và Nhà nước, đặc biệt trong xã có một bà mẹ được truy tặng là bà mẹ Việt Nam anh Hùng. Năm 1973, Nhân dân Văn Hải được Chính Phủ tặng thưởng Huân chương độc lập hạng hai. Năm 1975 HTX Nông nghiệp Tây Bắc đón nhận Huân chương lao động hạng 3. Năm 1980 đón nhận Huân chương lao động hạng 2. Năm 1985 được nhận Huân chương lao động hạng Nhất. Trong thời bình chính quyền và Nhân dân địa phương Văn Hải không ngại gian khó, năng động sáng tạo, mở mang kiên cố thêm hệ thống đường trong xã (trong xã đã hoàn thành trên 20km đường bê tông), trường tiểu học, trạm y tế của xã đã đạt chuẩn Quốc gia, công trình xây dựng trụ sở UBND xã cũng mới được hoàn thiện nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng bộ xã Văn Hải (1948- 2008).
Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay là sự nỗ lực của bao thế hệ con em nhân dân xã Văn Hải, đặc biệt là công lao của hai vị chiêu mộ Vũ Khắc Dụng và Phạm Quang Trù đã có công chiêu dân lập nên ấp Văn Hải cách đây trên 168 năm (tính đến năm 2024). Hai vị chiêu mộ được thờ tại tiền đường đền làng Văn Hải cùng với Đức thánh Lê, Đức Thánh Trần để con cháu và Nhân dân địa phương đời đời hương khói, cho đất nước Việt Nam này luôn sâu gốc bền dễ.
IV. KHẢO TẢ DI TÍCH
Đền làng Văn Hải nằm giữa cánh đồng lúa, được bao quanh bởi hệ thống tường xây kiên cố. Đi vào cổng đền từ hướng nam, qua khoảng sân gạch rộng là bước vào phần kiến trúc chính của ngôi đền. Đền được kiến trúc có dáng hình chuôi vồ.
Phía trước cửa đền là ao cá và ruộng lúa cách đó không xa (khoảng 400m) có dòng sông Càn, nơi danh giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, xa xa hơn nữa là dãy núi đá vôi Tam Điệp trên đất huyện Nga Sợn, dãy đá vôi này kéo dài ra tới hòn Nẹ. Phía sau đền là dòng sông Cà Mâu chạy dài và chia nhánh nối với sông Ân ở phía bắc, sông Cồn Thoi và sông Càn ở phía tây, tây nam, nối với sông Đáy ỏ phía đông. Quay trở lại với kiến trúc của ngôi đền, đền được thiết kế 5 gian, quay hướng tây, qua bậc tam cấp vào không gian của năm gian bái đường có chiều dài 16m rộng 7m, ở hai gian tả hữu của bái đường có đắp 4 bức phù điêu lớn là nghựa và thần Hộ Pháp cầm đao trông rất uy nghiêm.
Qua không gian bái đường vào không gian tiền đường, nền tiền đường cao hơn nền bái đường 0,2m. ở chính giữa gian tiền đường có đặt nhang án mặt tiền, hai bên nhang án bầy hệ thống bát biểu, tạo nên vẻ uy nghiêm cho di tích. Trên nhang án đặt 4 ngai thờ, với 2 long đình, long đình phía trong đặt tượng thờ Đức thánh Trần. Phía trên của nhang án có treo bức đại tự “Văn phu, vu Hải” với nghĩa tạm dịch là bồi đắp nên đất Văn Hải. Qua ngưỡng cửa khá cao (khoảng 0,4m) là bước vào phần nội cung, cung này có mái dạng cuốn vòm, có kích thước 5m x 6m. Trong gian nội có đặt một long đình, trong long đình có một ngai thờ, trên ngai thờ có đặt bài vị, ghi tên nhân vật thờ là Đức thánh Lê. ở hai bên của long đình có hai am thờ nhỏ, thờ các nhân thần thời Lê. Mái của di tích được lợp ngói vẩy, trên bờ nóc có đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt.
V. LOẠI HÌNH DI TÍCH
Qua khảo sát thực tế tại di tích, qua các hiện vật, tài liệu Hán - Nôm còn lưu giữ cùng những truyền thuyết về di tích chúng tôi thấy rằng đây là di tích thuộc loại hình di tích Lịch sử Văn hóa.
VI. CÁC DI VẬT TRONG DI TÍCH
Hiện nay trong di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật thời Nguyễn có giá trị được liệt kê dưới đây:
1. 01 Nhang án
2. 04 long đình
3. 01 mũ thờ
4. 01 ống thẻ.
5. 04 sắc phong.
6. 01 tượng gỗ.
7. 02 bức đại tự.
8. 05 câu đối gỗ.
9. 02 kiệu.
Ngoài ra còn một số hiện vật khác có giá trị, xin xem chi tiết ở phần thông kê hiện vật kèm theo hồ sơ.
VII. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN VÀ PHƯƠNG ÁN PHÁT HUY TÁC DỤNG CỦA DI TÍCH
Di tích đền làng Văn Hải đã có bề dầy lịch sử trên 150 năm, lần đầu tiên di tích được tu sửa vào năm Duy Tân thứ ba (1909), lần tu sửa này còn ghi trên thượng lương của nội cung. Cho đến năm 1953 di tích bị pháo của giặc Pháp bắn phá, tuy nhiên những đồ thờ, khung nhà gỗ còn giữ được tương đối nguyên vẹn.
Năm 2017, di tích đền làng Văn Hải đã được tu bổ, phục dựng trên nền móng cũ. Di tích có phần cổ kính và khang trang. Xung quanh di tích có hệ thống tường bao bảo vệ. Tại khu di tích đã có Ban kiến thiết và bảo vệ di tích.
Tuy nhiên tại di tích cần tuyên truyền về quá trình thành lập làng, quá trình khai hoang lấn biển của nhân dân địa phương nơi đây, đặc biệt là công lao của 2 vị chiêu mộ Vũ Khắc Dụng và Phạm Quang Trù cho thế hệ trẻ trong xã.
VIII. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HOÁ DÂN GIAN, LỄ HỘI
Hiện tại ở di tích còn lưu giữ được một số nét sinh hoạt văn hóa truyền thống và lễ hội được diễn ra trong năm như sau:
1. Vào ngày mồng 7 tháng Giêng có lễ cầu mát. Trong lễ cầu mát này dùng oản, quả, cơm cúng để tế lễ, cầu cho dân yên khang, mùa màng tươi tốt, mọi người đi xa khỏe mạnh. Tiếp đó có lễ rước kiệu ra ngõ rồi quay lại đền, an kiệu.
2. Vào ngày mồng 1 tháng 3 dân làng tổ chức giỗ ông Lê Niệm, trong giỗ có dùng oản, quả, cơm mặn để cúng.
3. Ngày 22 tháng tư dân làng tổ chức giỗ ông Vũ Khắc Dụng, là chiêu mộ của làng, trong giỗ có dùng oản, hoa quả, cơm mặn, rượu tế lễ.
4. Ngày 20 tháng tám tổ chức giỗ Trần Hưng Đạo, trong lễ giỗ có dùng oản, quả và cơm mặn.
5. Ngày 13 tháng 11 nhân dân trong làng tổ chức giỗ ông chiêu mộ Phạm Quang Trù, trong giỗ có dùng oản, quả, cơm mặn, rượu cúng tế.
6. Vào ngày 20 tháng 12 nhân dân trong làng làm lễ tất niên, dùng oản, quả, bái tạ. Trong buổi lễ này, tổ chức lau rửa đồ tế khí, chuẩn bị đòn năm mới.
Hiện nay tại đền thời di tích hàng năm cứ vào ngày 22 tháng 4, UBND xã kết hợp với Ban quản lý di tích và Ban Chấp hành Lương dân tổ chức kỷ niệm 2 cụ chiêu mộ: Vũ Khắc Dụng và Phạm Quang Trù. Trong lễ hội này có tổ chức các trò chơi dân gian như leo cầu gỗ, kéo co, chọi gà, đánh cờ. Lễ hội này diễn ra trong một ngày.
Ngoài ra hàng tháng tại di tích có 2 tuần lên hương cúng tế, vào ngày mồng một và ngày 15.
Lễ rước kiệu ra ngõ vào mùng 7 tháng giêng hàng năm
IX. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH VÀ Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ
Qua khảo sát thực tế tại di tích, qua nghiên cứu tư liệu lịch sử tại di tích chúng tôi thấy di tích có những giá trị dưới đây:
1. Hiện tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật thờ cúng, đồ tế khí, kiệu, sắc phong dưới thời Nguyễn có giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Bản thân di tích còn giữ được nét kiến trúc cổ truyền của người Việt.
3. Tại di tích có nhiều tư liệu để nghiên cứu về quá trình khai hoang lấn biển cũng như cách định cư (đào ao vượt thổ làm nhà), cách cư sử với môi trường của nhân dân ta.
4. Qua các lễ hội, lễ giỗ tại di tích là hình thức giáo dục trực quan cho thế hệ ngày nay biết đến công lao của cha ông trong việc khai hoang lập ấp từ đời này sang đời khác, từ việc đắp đê Hồng Đức (1475) đến thời điểm lập ấp Văn Hải (1856) và cho đến ngày nay có thêm nhiều vùng đất mới, nhiều con đê biển mới, cho con cháu đời đời ấm no.
5. Di tích nằm gần đường ra biển, gần sông, thuận lợi cho khách tham quan, du lịch, nghiên cứu lịch sử, môi trường...
Năm 2008, Đền làng Văn Hải đã được Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định công nhận di tích đền làng Văn Hải là di tích lịch sử văn hóa./.
-
Sản phẩm “Tôm khô Đại Dương” - Xã Văn Hải
Thứ hai, 16/09/2024
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
-
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản
Ban hành: 21/11/2013
-
Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa
Ban hành: 17/10/2014
-
Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng
Ban hành: 07/11/2014
-
Chương trình số 1Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên; hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp, giai đoạn 2015 – 2020
Ban hành: 22/01/2016
-
Chương trình số 4Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân thành phố Ninh Bình, giai đoạn 2015 - 2020
Ban hành: 10/03/2016
-
Kế hoạch thực hiện công tác toàn khóa số 4
Ban hành: 01/11/2016
-
Kế hoạch dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2016-2020
Ban hành: 30/12/2016
-
Kế hoạch thực hiện chương trình toàn khóa số 2
Ban hành: 04/01/2017
-
Quyết định về việc ban hành trương trình công tác năm 2017
Ban hành: 19/01/2017
-
Kế hoạch sưu tầm, tư liệu, tài liệu, hiện vật để chuẩn bị trưng bầy tại nhà truyền thống thành phố Ninh Bình
Ban hành: 08/02/2017
Lượt truy cập: 115060
Trực tuyến: 12
Hôm nay: 98